Khách du lịch sau mùa dịch không còn quá mê giảm giá?

Xu hướng sau dịch thay đổi khiến các đơn vị kinh doanh du lịch, địa phương cần điều chỉnh để thu hút khách ghé thăm.

Năm 2020 đánh dấu nhiều sự thay đổi lớn với ngành Du lịch Việt Nam vì đại dịch Covid-19. Khách quốc tế không còn, du lịch trong nước tập trung vào khách nội địa. Tuy nhiên, lệnh giãn cách xã hội kéo dài khoảng một tháng đã khiến xu hướng du lịch của thị trường khách nội có nhiều thay đổi.

Nhằm hiểu rõ xu hướng mới của du khách, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã thực hiện cuộc khảo sát từ 13-19/5 với tổng số người tham gia lên tới 1.826.

Chia sẻ trong buổi họp với báo chí chiều 28/5, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký TAB, cho biết việc tập trung vào giảm giá là chưa đủ để kích cầu du lịch trở lại. Khi thực hiện khảo sát, TAB đặt câu hỏi lý do nào khiến bạn thực hiện chuyến đi.

Sự an toàn được du khách chú trọng hơn các chương trình giảm giá sau đợt dịch. Ảnh: Anh Tú.

Kết quả đưa ra khiến nhiều người ngạc nhiên bởi có tới 32,5% chọn tiêu chí “điểm đến du lịch an ninh và an toàn”. Ngoài ra, 36,2% quan tâm đến dịch vụ và điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh. Lượng người quan tâm đến các ưu đãi cho dịch vụ du lịch chỉ là 19,2%.

Theo ông Chính, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, địa phương dường như đang quá tập trung vào giảm giá và coi đó như một “từ khóa” để kích cầu.

“Tỷ lệ thất nghiệp tăng ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Người dân hoàn toàn có cơ sở để lo lắng về vấn đề an ninh. Các bên liên quan không nên quá tập trung việc tìm ưu đãi mà cần chú trọng vấn đề an ninh, an toàn trước dịch bệnh”, ông Chính chia sẻ quan điểm.

Xu hướng du lịch ngắn ngày cũng “lên ngôi” sau đợt giãn cách. Theo đó, đa số khách du lịch quan tâm các chuyến đi từ 2-3 ngày (49,3%). Số người dự định thực hiện chuyến đi 4-7 ngày rơi vào 37,8%. Theo phân tích từ TAB, Covid-19 đã tác động lớn đến chi tiêu ngân sách. Ngoài ra, việc trẻ em nghỉ hè rất ngắn cũng là một nguyên nhân.

Khi được hỏi “bạn sẽ du lịch cùng ai”, đa số câu trả lời nghiêng về gia đình (59,8%). Số người trả lời bạn bè chỉ chiếm 29,2%. TAB nhận xét đây là sự ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Thói quen từ đợt giãn cách xã hội vẫn còn nên người dân có xu hướng chọn đi theo những nhóm quen như gia đình, bạn bè.

Trước kia, TAB từng khảo sát du lịch Thái Lan để hiểu vì sao tới 70% du khách được hỏi cho biết sẽ quay lại quốc gia này. “Qua phân tích, chúng tôi nhận ra các khách châu Âu, Bắc Mỹ hay Australia rất chú trọng vào tour gia đình. Do đó, Thái Lan là sự lựa chọn hợp lý. Họ có dịch vụ trông giữ trẻ em ngay tại resort, khách sạn và nhiều safari để khám phá.

Trước thời điểm bệnh dịch, các đơn vị Việt Nam thường chạy theo số lượng khách mà không chú trọng thu hút nhóm khách gia đình. Nếu làm các sản phẩm du lịch đặc trưng cho nhóm này, khả năng thu hút họ trở lại sẽ rất cao”, ông Chính lập luận.

 

Các ứng dụng đặt phòng trực tuyến hứa hẹn lên ngôi trong thời gian tới. Ảnh chụp màn hình.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến xu hướng sử dụng dịch vụ online tăng mạnh (giao hàng, họp…). Điều này đã tác động lớn đến cách du khách đặt khách sạn/tour. Theo khảo sát, 44,2% người được hỏi trả lời đặt tour qua nền tảng trực tuyến. TAB cho rằng đây sẽ là xu hướng trong thời gian tới.

Du lịch biển vẫn là lựa chọn phổ biến nhất trong dịp hè với 67,1%. Tuy nhiên, các điểm du lịch thiên nhiên như núi hay khu du lịch sinh thái cũng tăng mạnh, lần lượt là 31,2% và 25,2%. Đại diện TAB nhận xét việc dàn trải các điểm du lịch, không tập trung vào biển sẽ tạo nên xu hướng du lịch bền vững.

Để phục hồi ngành Du lịch, TAB cho biết cần chú trọng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các địa phương cần xây dựng những chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần (1-2 tháng đầu miễn phí, sau đó giảm 50% tới hết năm).

Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn tại các điểm du lịch cũng cần đặt lên hàng đầu. TAB cũng gợi ý các Sở Du lịch cần tập trung, xúc tiến quảng cáo thông qua kênh truyền thông, người nổi tiếng…

Nguồn: Zing