Dinh Độc Lập – điểm đến ngày thống nhất
Dinh Độc Lập không chỉ mang vẻ đẹp kiến trúc mà còn là biểu tượng của nền hòa bình, thống nhất, là điểm tham quan hút khách bậc nhất ở TP HCM mỗi dịp 30/4.


Dinh Độc Lập hay Hội trường Thống Nhất nằm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mặt chính hướng ra đại lộ Lê Duẩn. Năm 1976, Dinh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Công trình được khởi công ngày 1/7/1962 theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã. Tổng thể dinh có hình chữ “Cát”, tượng trưng cho sự tốt lành, may mắn. Kiến trúc nổi bật với bức rèm hoa đá mô phỏng các đốt trúc thanh thoát bao quanh tầng hai. Bên trong, các đường nét thiết kế chủ yếu theo dạng thẳng, gãy gọn, thể hiện tinh thần kỷ luật và trang nghiêm.
Dinh có diện tích sàn 20.000 m2, xây trên khuôn viên rộng 4.500 m2, cao 26 m, gồm tầng trệt, hai tầng lửng, hai tầng hầm và sân trực thăng trên mái. Hơn 100 phòng chức năng được thiết kế theo phong cách riêng biệt, gồm phòng khánh tiết, phòng họp hội đồng nội các, phòng làm việc của tổng thống và phó tổng thống, phòng trình quốc thư, đại yến. Ảnh: Quỳnh Trần


Nằm ở tầng hai của Dinh, khu vực tiếp khách của tổng thống gồm hai phòng thông nhau. Trong phòng đầu tiên, ghế của Tổng thống được đặt cao hơn các ghế còn lại, phía sau là tấm gỗ lớn tượng trưng cho quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa. Phòng kế bên có cách bài trí đơn giản hơn, điểm nhấn là hai tủ sơn mài họa tiết “mai, lan, cúc, trúc” đặt hai bên.
Phòng tiếp khách của Phó tổng thống (ảnh sau) mang tông vàng chủ đạo, thể hiện qua rèm cửa, bàn ghế. Trong phòng treo hai bức tranh sơn mài: một vẽ Khuê Văn Các (Văn Miếu, Hà Nội), bức còn lại tái hiện cảnh vua Trần Nhân Tông dạo chơi (thế kỷ XIII).
Tuấn Anh