Lịch trình du lịch không hợp lý hoặc đi vào mùa cao điểm có thể là nguyên nhân khiến bạn trượt thị thực Nhật Bản.
Nhật Bản là một trong những nước khó xin thị thực đối với người Việt Nam vì yêu cầu khắt khe. Đồng thời, người bị đánh trượt visa sẽ không được biết lý do. Tuy nhiên, vẫn có một số điều có thể khiến hồ sơ bị loại mà bạn nên lưu ý.
Hồ sơ thiếu trung thực
Sở hữu một bộ hồ sơ thật đẹp chưa chắc đã giúp bạn đậu visa du lịch Nhật Bản, nếu không trung thực. Mọi giấy tờ như chứng minh nghề nghiệp, sổ tiết kiệm, giấy nghỉ phép… đều phải chứa thông tin thật bởi Cơ quan xét duyệt visa Nhật sẽ gọi điện ngẫu nhiên để phỏng vấn. Bất kỳ câu trả lời không chắc chắn hay ngập ngừng đều có thể là nguyên nhân khiến họ đánh trượt visa của bạn.
Lưu ý dành cho người xin visa du lịch Nhật Bản nhưng theo dạng thăm thân, tất cả các giấy tờ chứng minh mối quan hệ, thân phận người mời, thư mời và lịch trình phải do người đang sinh sống bên Nhật chuẩn bị và gửi về Việt Nam. Cơ quan xét duyệt không chấp nhận bản scan, photo công chứng, chụp màn hình… Bạn không thể làm giả giấy tờ này do rất dễ bị phát hiện vì giấy A4 ở Nhật màu sậm hơn, ngả vàng, có sự khác biệt rất rõ so với giấy ở Việt Nam.
Lịch trình không hợp lý
Nếu tự xin visa thì bạn cần thể hiện một lịch trình cụ thể, rõ ràng. Không cần phải ghi chi tiết, nhưng tuyến đường đi, phương tiện sử dụng, ngày đi… phải hợp lý thì mới có sức thuyết phục. Hãy chứng tỏ cho phía xét duyệt visa thấy, bạn có tìm hiểu về nước Nhật trước khi đến.
Bên cạnh đó, một lịch trình quá dài (thời gian lưu trú trên 15 ngày) cũng chưa chắc tốt. Bạn nên chuẩn bị lịch trình trong vòng một tuần, thăm vài điểm nổi bật là đẹp nhất. Sau khi có kết quả, bạn có thể đổi lịch trình nếu muốn.
Chứng minh tài chính không minh bạch
Hiện nay, các dịch vụ chứng minh tài chính mọc lên khắp nơi, nhiều ngân hàng có thể giúp bạn vay tạm thời để làm chứng minh tài chính với giá hợp lý. Tuy nhiên, nếu bảng lương của bạn chỉ hơn 20 triệu đồng/tháng, nhưng chứng minh tài chính cả tỷ đồng, gửi ngắn hạn thì ngay lập tức, hồ sơ của bạn sẽ bị đặt dấu chấm hỏi. Nếu bạn thực sự có số tiền lớn trong tài khoản, hãy kèm theo sao kê ngân hàng để tạo độ tin cậy.
Đi vào mùa cao điểm
Tháng 4 và tháng 11 là mùa du lịch cao điểm ở Nhật Bản. Tuy không có thông tin chính thức về quota (hạn ngạch) visa mỗi năm, nhưng khá nhiều du khách đến Nhật thời điểm này thường bị trượt visa. Người có lịch sử du lịch tốt, hồ sơ đầy đủ, tin cậy, từng đến các nước phát triển như Mỹ, châu Âu vẫn có thể bị đánh trượt. Vì thế, nếu có kế hoạch du lịch mùa cao điểm, bạn nên chuẩn bị hồ sơ xin visa từ sớm cho chắc ăn. Nếu trượt visa du lịch Nhật Bản ở Lãnh sự quán tại TP HCM, bạn có thể xin lại theo dạng thăm thân (bạn bè, người thân) kèm giấy mời, hoặc công tác. Còn nếu bị đánh rớt visa ở Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, bạn buộc phải chờ 6 tháng sau mới có thể xin visa lại.
Hồ sơ xin visa du lịch Nhật Bản gồm:
– Đơn xin cấp visa theo mẫu.
– Hộ chiếu gốc còn hạn trên 6 tháng.
– Hình thẻ cỡ 4,5 x 4,5.
– Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi:
+ Chứng minh nghề nghiệp (hợp đồng lao động, giấy phép kinh doanh, giấy xin nghỉ phép…)
+ Chứng minh tài chính (sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất, giấy tờ xe, sao kê bảng lương…)
– Lịch trình du lịch (ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, số điện thoại liên lạc…) và các giấy tờ xác nhận lịch trình (đặt phòng khách sạn, vé máy bay khứ hồi)
– Lệ phí: 630.000 đồng (chỉ thu tiền khi có visa)
Thời gian xử lý visa: 8 ngày làm việc.
Theo Vi Yến/ Ngôi sao