Bánh tét, thịt kho tàu, dưa kiệu, tôm chua… là những món ăn truyền thống thân thuộc, dân dã thường xuất hiện trên mâm cơm ngày Tết Âm lịch của người miền Trung.
Theo truyền thống người Việt, Tết đến, xuân về là dịp gia đình sum họp, quây quần bên mâm cơm và kể những câu chuyện vui, buồn trong suốt một năm đã qua. Tết ở mỗi vùng miền mang một màu sắc riêng. Nếu miền Bắc đón xuân với hoa đào, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành…thì người miền Trung náo nức chào năm mới với hương thơm của bánh tét, nem chua, thịt giấm… Ảnh: Com.nha.linh.
Mang ý nghĩa hội tụ đất – trời, bánh tét là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người miền Trung. Nếu bánh chưng ở miền Bắc được gói bằng lá dong, bánh tét miền Trung lại bọc bằng chuối. Bánh có hình đòn hình trụ, chắc chắn với các nguyên liệu quen thuộc như thịt heo, đậu xanh, gạo nếp… Món ăn thanh đạm, mang mặn vị của đậu xanh, nếp ngâm nước muối, cay của tiêu nêm thịt mỡ. Cả gia đình quây quần gói và trông nồi bánh suốt đêm là ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của biết bao thế hệ người Việt. Ảnh: Ereka, NgonAZ.
Bánh chưng, bánh tét tròn vị nhất khi kẹp kèm miếng dưa kiệu mằn mặn, the the. Củ kiệu trước khi đem đi ngâm trong hỗn hợp muối, nước mắm, đường thì được làm sạch, phơi khô. Cũng vì lẽ đó, thành phẩm đặc trưng với vị mặn, giòn sần sật. Dưa kiệu có vai trò như món khai vị, vị chua của nó giúp hệ tiêu hoá tránh quá tải trong những ngày Tết sắp đến. Ảnh: Louisscorpio, uyennha.
Tai heo ngâm giấm là sự lựa chọn cho bạn nếu muốn nếm trọn hương vị món ăn miền Trung ngày Tết. Để làm món này, bạn cần luộc chín thịt tai heo, đem ngâm trong nước mắm pha giấm, đường, tỏi, để khoảng 5 ngày. Người ta xếp thịt luộc vào hũ thủy tinh rồi lấy ra, cắt nhỏ khi ăn. Món thịt này mang vị mặn, ngọt và chua độc đáo, thường cuốn cùng bánh tráng, dưa kiệu và rau sống. Ảnh: Cooky, teresangocvy.
Thịt kho tàu giản dị nhưng bao năm qua luôn giữ vị trí không thể thiếu trên mâm cơm Tết Việt. Chỉ cần nghe hương thơm hấp dẫn, béo ngậy tỏa ra từ nồi thịt kho là thấy Tết kề bên. Món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế của người nấu từ cách chọn thịt, khâu ướp gia vị đến thời điểm thêm nước dừa để thịt kho mềm và có màu nâu vàng sóng sánh. Thịt, trứng với vị đậm đà, màu sắc bắt mắt mang ý nghĩa ấm cúng, sum vầy. Ảnh: Ly.huyn, songk333, chopsticks.and.rice, HelloBacsi.
Tôm chua cũng là món ngon đặc trưng của người miền Trung. Món ăn là sự hòa trộn các hương vị hoàn hảo, tôm mang độ mặn của nước mắm, cay và thơm của riềng, tỏi ớt, ngọt của đường, chua và giòn của đu đủ. Tôm chua có ở nhiều nơi, song ngon nhất phải kể đến xứ Huế. Người ta chọn tôm tươi, còn sống, sau đó cắt đầu, rửa sạch, ngâm rượu vài giờ. Tất cả cho vào hũ thủy tinh, đổ nước mắm pha đường vào, rồi đậy kín nắp. Ảnh: Vuttha2108, mebimsuakoi.
Bánh thuẫn là loại bánh ngọt thường được các gia đình miền Trung chọn dâng lên bàn thờ tổ tiên dịp Tết. Món ăn có mặt từ lâu đời, vị ngọt, xốp không giống bất cứ loại bánh nào. Người thợ đem trứng, đường, bột và vani, đánh bông lên đến khi mịn. Đổ kín bột lên khuôn nướng đã nóng, quét sẵn dầu. Bí quyết để có mẻ bánh thơm, nở đều là thêm gừng, đánh trứng đều tay và canh thời gian than hừng. Ảnh: Anh.vyyy, trungbuii.