Quán kem nhãn chú Tám hay gỏi khô bò của ông Năm không còn xa lạ với nhiều thế hệ học sinh ở Sài Gòn.
Gỏi khô bò ông Năm
Quán nằm trong một căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1. Chủ là ông Năm, người gốc Sài Gòn. Khiêm tốn khi được hỏi đến, ông chủ chia sẻ gỏi khô bò của mình “cũng bình thường” như những hàng quán khác. Thế nhưng đây là địa chỉ không thể bỏ qua với người yêu thích món ăn vặt này.
Hiện ông Năm không còn đứng bán. Thay vào vị trí của ông là cô Vân, con gái ông Năm. Theo cô Vân, ông bắt đầu bán từ hồi còn thanh niên. Lúc đầu, ông bán trên vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng nhưng chỉ là một xe đẩy bình thường, “từ sau 1975 thì dời về chỗ này bán cho tới giờ”.
Trải qua hàng chục năm, quán vẫn không bày bảng hiệu nhưng nhắc tới gỏi khô bò thì hầu như tín đồ ẩm thực nào cũng biết quán ông Năm. Mỗi đĩa khô bò có giá 16.000 đồng nếu ăn tại chỗ và 18.000 đồng nếu mua mang về. Món ăn gây ấn tượng bởi miếng bò thơm và béo.
Đây cũng là nơi bán gỏi đu đủ khô bò lâu năm nhất ở đất Sài Gòn.
Hủ tiếu Nam Lợi
Quán ăn 70 năm trên đường Tôn Thất Đạm, quận 1, hút khách nhờ nước lèo ngọt thanh, cọng bánh to dày, cùng kỹ thuật xắt mỏng từng miếng cá của chủ quán. Là địa chỉ lâu năm, quán vẫn giữ cách ăn hủ tiếu kèm bánh pate chuax. Tuy nhiên, quán hết bánh sớm, thường sau 16h là đã không còn. Ảnh: Dicky Aryawan.
Thực đơn của quán có nhiều món như hủ tiếu gà, bò kho… được chế biến theo phong cách Hoa – Việt. Trong đó, món được khách yêu thích nhất là hủ tiếu cá. Giá cho một phần từ 70.000 đồng. Nhiều khách nhận xét khẩu phần cơ bản của một tô hủ tiếu tại đây khá ít.
Kem nhãn chú Tám
Địa chỉ này nằm trong chợ Đa Kao, trên đường Trương Hán Siêu, quận 1. Quán mở từ hơn 30 năm trước và là địa chỉ quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh ở quanh khu vực. Hiện khách muốn tìm đến quán dễ dàng bị nhầm lẫn với một quán kem nằm sát bên nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy tấm bảng ghi rõ tên quán.
Mỗi một ly kem có giá từ 10.000 đồng, loại được chuộng nhất là kem nhãn. Vị kem dẻo mịn cùng sự ngọt ngào là điều níu chân thực khách suốt mấy mươi năm qua. Tuy là thứ quà bình dị, kem của quán chú Tám đã cùng không ít người lớn lên.
Bánh mì Hoà Mã
Quán bánh mì chảo lâu năm nhất nhì thành phố nằm trên đường Cao Thắng, quận 3. Mở cửa từ năm 1958 đến nay, quán vẫn bán bên đường như phong cách của nhiều hàng quán ở Sài Gòn.
Có người ăn ở đây từ hồi còn nhỏ cho đến lúc đã lập gia đình vẫn quay lại. Đây cũng là địa chỉ được nhiều du khách nước ngoài tìm đến. Khách đến sẽ thưởng thức món ăn trên bàn ghế nhựa được xếp ở hai bên của một con hẻm. Ảnh: Drummer & Pink Elephant.
Quán có nhiều nhân bánh khác nhau song được yêu thích nhất là nhân thịt nguội và ốp la. Phần ốp la gồm ổ bánh mì dài khoảng một gang tay, ăn cùng chảo thức ăn nóng hổi, đầy ắp. Thành phần trong chảo gồm hai trứng gà chiên, hành tây, jambon, chả lụa, chả quế, thịt ba rọi muối, xúc xích… Một phần bánh mì thập cẩm có giá khoảng 50.000 đồng, phần bánh mì thịt nguội hoặc omelette giá trên 40.000 đồng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn phần thịt nguội thập cẩm với dăm bông, sốt, patê, ăn kèm đồ chua và bánh mì. Phần ăn này có giá mềm hơn và đều là đồ chín, dễ thưởng thức.
Mì Nguyên Lợi
Người dân sống gần khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh thường thấy có một gian nhà luôn mở cửa 24h, phía trước là chiếc xe bằng gỗ chất đầy dụng cụ nấu nướng. Đó là quán mì đã có thâm niên hơn 50 năm của cặp vợ chồng gốc Hoa.
Quán mở từ những năm đầu thập niên 1960, hút khách nhờ món mì hoành thánh, lớp vỏ thơm và không bị nhão. Thịt bên trong được nêm khéo léo, thơm nồng mùi tiêu sọ.
Thực đơn dán trên tường chỉ vỏn vẹn 5 món mì, hủ tiếu và hoành thánh nhưng chủ quán sẽ nấu theo yêu cầu nếu bạn không thích món có sẵn. Giá trung bình một phần ăn tại đây từ 30.000 đồng trở lên.
Bài và ảnh: Phong Vinh