Cho đến ngày nay, dù trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, người Chăm tại Ninh Thuận vẫn gìn giữ trọn vẹn nét đặc sắc lễ hội Kate – Một lễ hội mang dấu ấn đậm nét của nền văn hóa tín ngưỡng Chăm sau hàng trăm năm hình thành. Năm nay lễ hội được diễn ra từ ngày 27 – 29/9/2019. Đây hứa hẹn là sự kiện độc đáo dành cho du khách đến với Ninh Thuận vào cuối tháng 9 này.
Lễ hội Kate của người Chăm ở Ninh Thuận được tổ chức hàng năm vào tháng 7 theo lịch Chăm. Lễ hội sẽ diễn ra từ 27- 29/9/2019 Dương lịch. Sự kiện được diễn ra trong một không gian rộng lớn tại 3 đền tháp: tháp Pô Nagar , tháp Pô Rôme và tháp Pôklong Garai.
Đây là dịp để đồng bào Chăm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn các vị thần của cộng đồng như: Pôklong Garai, Pô Rôme,… đã có công dạy cho con cháu biết dệt thổ cẩm, làm đồ gốm, trồng lúa… và luôn độ trì mưa thuận gió hòa, giúp con cháu có đời sống ngày càng no ấm.
Lễ hội Kate năm nay vô cùng đặc biệt. Bởi năm nay lễ hội được chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là sự đóng góp của đồng bào Chăm, của văn hóa Chăm vào nền văn hóa Việt Nam; là cơ hội để văn hóa Chăm Ninh Thuận quảng bá hình ảnh của địa phương đến du khách, đến các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật trong và ngoài nước.
Ảnh: Nón Vàng lang thang
Trước khi lễ hội diễn ra 1 ngày sẽ diễn ra lễ rước Y trang thần Pô Inư Nưga ( còn gọi là người mẹ xứ sở) về đền trong, tháp Pôklong Garai và tháp Pô Rôme. Sau khi lễ vật đã được chuẩn bị xong thì lễ Katê được tiến hành theo 4 bước: Lễ rước y phục – Lễ mở cửa tháp – Lễ mộc dục (lễ tắm tượng thần Siva và tượng vua trong tháp) – Lễ mặc y phục – Ðại lễ – Hội. Ðặc trưng của lễ hội Katê là trong mỗi bước hành lễ thì thầy cả sư Pô Dhia đọc kinh, ông thầy kéo đàn Kanhi hát thánh ca lần lượt mời các vị thần, bà bóng rót rượu, dâng lễ vật lên thần linh và bà con dự lễ khấn vái cầu thần linh ban cho may mắn, sức khỏe, mùa màng…
Ảnh: Sưu tầm
Kết thúc buổi lễ là điệu múa thiêng của bà bóng trong tháp cùng lúc đó là bên ngoài bắt đầu vang lên không khí trẩy hội, những chàng trai cô gái Chăm với sắc phục truyền thống nghiêng mình múa hát những điệu dân ca, dân vũ Chăm rộn ràng theo nhịp trống Ginăng, kèn Sarainai… Không khí náo nhiệt kéo dài đến khi Mặt Trời ngả về chiều thì lễ hội kết thúc.
Ảnh: Nón Vàng lang thang
Kate Chăm là một lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc được lưu truyền hàng nghìn năm, tạo nên không gian liên đới từ đền tháp đến hộ gia đình, tạo nên một vùng không gian đặc sắc, khi chúng ta đến một lần thì không thể nào quên, bởi hình ảnh những cô gái Chăm duyên dáng với những giàn nho xanh mướt, những đàn cừu nhởn nhơ và cánh đồng xanh thắm của một vùng quê yên ắng nhưng đầy nắng và gió.