Không khí trong máy bay sạch đến đâu?

Một trong những nỗi lo của hàng triệu hành khách trên thế giới là liệu nCoV có lây lan nhanh hơn trên máy bay hay không.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) nhắc đến vấn đề đi máy bay thời đại dịch trên website dành cho khách du lịch rằng: “Đi lại tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19”. Ngoài ra, Hiệp hội Tiếp viên Hàng không (AFA) báo cáo hàng trăm thành viên của các phi hành đoàn dương tính với virus và ít nhất bảy người đã chết.

Nhưng e ngại về chất lượng không khí trong cabin máy bay đã tồn tại từ lâu, trước cuộc khủng hoảng bởi đại dịch hiện nay. Trước Covid-19, AFA đã bình luận về không khí trong cabin, trong đó nhắc đến nhiều quan ngại về tình trạng thiếu oxy và không khí từ bên ngoài máy bay, hệ thống cung cấp không khí bị ô nhiễm và nồng độ thuốc trừ sâu cao.

Vài năm trở lại đây, những mối lo ngại này thậm chí đã thôi thúc Quốc hội Mỹ cho thực hiện những nghiên cứu sâu hơn về ô nhiễm không khí trên máy bay trong đạo luật năm 2018 của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Ảnh: Fox Business.

Dưới đây là lý giải về cách không khí trong cabin có thể ảnh hưởng đến hành khách đi máy bay trong đại dịch.

Hệ thống không khí trong cabin

Hàng loạt hãng hàng không đang công khai đảm bảo với hành khách rằng, hệ thống lọc không khí của máy bay sử dụng công nghệ tiên tiến. JetBlue thậm chí còn đăng tải một video giới thiệu về hệ thống này. Những hãng bay lớn của Hiệp hội Hàng không cho Mỹ (A4A) như Delta, American, United và Southwest, khẳng định: Trên tàu bay, tất cả các hãng A4A đều trang bị hệ thống lọc HEPA (tiêu chuẩn về tỷ lệ hiệu quả trong hoạt động lọc khí) và tất cả các thành viên đều tuân thủ hoặc làm nhiều hơn hướng dẫn của CDC.

Những lời khẳng định chắc nịch tương tự vậy được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhắc lại: “Nguy cơ nhiễm virus trên máy bay thường thấp hơn so với trong trung tâm mua sắm hoặc văn phòng. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), thuộc Liên Hợp Quốc, thì nhấn mạnh “tỷ lệ lây nhiễm trên máy bay hiện nay cực kỳ thấp”.

Tin tốt là các hãng hàng không tính toán rằng, bộ lọc HEPA có thể loại bỏ từ 99,7% đến 99,999% các hạt trong không khí. Hầu hết không khí trong khoang máy bay được “kiểm soát chặt chẽ” và thay mới hoàn toàn 20 đến 30 lần mỗi giờ – với hệ thống tuần hoàn trộn không khí trong lành với 50% không khí trong cabin được tái chế thông qua các bộ lọc HEPA trên “những tàu bay hiện đại nhất”, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hành khách khó thực hiện giãn cách xã hội trên máy bay, do đó cần đeo khẩu trang và mang theo dung dịch khử trùng. Ảnh: Deccan Herald.

Nhưng một số chuyên gia đang nghi ngờ về khả năng làm sạch hoàn toàn không khí để không còn nguy cơ lây lan virus. “Hầu hết các loại virus và vi trùng khác không dễ lây lan trên các chuyến bay vì cách không khí lưu thông và được lọc trên máy bay “, trang dành cho khách du lịch của CDC khẳng định. “Tuy nhiên, giãn cách xã hội là điều khó thực hành trên các chuyến bay đông đúc và bạn có thể phải ngồi gần những người khác (trong vòng 1,8 m), đôi khi trong nhiều giờ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tiếp xúc với virus gây ra Covid-19”.

WHO đưa ra lưu ý tương tự: “Lây nhiễm có thể xảy ra giữa những hành khách ngồi cùng một khu vực trên máy bay, thường do người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, tiếp xúc…”.

Các thành viên phi hành đoàn đồng tình với đánh giá này: “Thật ngây thơ khi nghĩ rằng hãng hàng không có thể bảo vệ hành khách 100% vì bạn ở trong không gian kín, dù chuyến bay dài bao lâu đi chăng nữa”, Heather Poole, một tiếp viên hàng không viết cuốn sách Cruising Altitude.

Một tiếp viên hàng không kỳ cựu giấu tên bày tỏ: “Tôi không nghĩ rằng hệ thống lọc không khí trong máy bay của chúng tôi là đủ để tránh tiếp xúc với “. Cô lưu ý rằng, tiếp xúc gần gũi giữa hành khách khi lên máy bay, các lối đi trong cabin và gần nhà vệ sinh khiến mỗi người phải hít thở không khí do người khác thở ra trước khi nó đến được các bộ lọc.

Vậy nếu ai đó ngồi cách tám hàng ghế hắt hơi, bạn có nên lo lắng? “Có” là câu trả lời của Gary Peterson, Phó chủ tịch quốc tế của Công đoàn Lao động Vận tải, tổ chức đại diện cho kỹ sư, tiếp viên hàng không, nhân viên điều phối và những nhân viên hàng không khác. “Các hạt không khí phải vào hệ thống để được lọc. Không còn nghi ngờ gì, các hệ thống ngày nay vượt trội hơn rất nhiều so với trước đây. Nhưng bước đầu tiên để đảm bảo an toàn cho cabin là ngăn người dương tính với virus lên máy bay”, ông Peterson bày tỏ.

Các chuyên gia cho biết hai yếu tố khác rất quan trọng để hành khách có không khí sạch trên trời chính là vệ sinh máy bay đúng cách – đặc biệt là các bề mặt gần hệ thống thông gió; và tiếp cận với những thiết bị bảo vệ cá nhân, đặc biệt là khẩu trang.

Ngoài virus, còn có những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến độ an toàn của không khí trong cabin máy bay.

Khói độc hại

Năm 2015, ICAO ban hành hướng dẫn cho ngành hàng không, trong đó nhắc đến: “Có nhiều loại khói, khói, khói mù và sương mù có thể làm ô nhiễm hệ thống cung cấp không khí trên máy bay. Không khí bên ngoài có thể bị ô nhiễm bởi dầu động cơ, chất lỏng thủy lực, khí thải động cơ, khí thải của xe phục vụ mặt đất, nhiên liệu, chất lỏng khử băng hoặc ozone”.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trích dẫn một danh sách dài các triệu chứng khi hít phải khói độc hại trên máy bay như tức ngực; khó nói; chóng mặt; khó giữ thăng bằng; khó tập trung… Nếu bạn lo lắng, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế và xem xét nộp đơn khiếu nại.

Thuốc trừ sâu

Mối đe dọa của các bệnh truyền nhiễm do côn trùng như sốt rét, Zika… khiến việc phun thuốc trong nội thất máy bay bằng thuốc khử trùng phổ biến ở một số quốc gia.

Tại những nước như Ecuador, Ấn Độ, Panama, Trinidad và Tobago, phương pháp thông thường là phun thuốc khi hành khách đang ở trên tàu bay để đảm bảo hành khách và quần áo của họ không phải nguồn vận chuyển mầm bệnh. Trong khi đó, Pháp, Italy và Anh chỉ yêu cầu phun khử trùng các chuyến bay nhất định, hay Australia và New Zealand chỉ xử lý cabin trong khi hành khách không có mặt trên máy bay. Điều quan trọng là tránh để hành khách tiếp xúc da với bề mặt vẫn còn ướt của thuốc.

WHO tuyên bố không tìm thấy bằng chứng nào về các loại thuốc khử trùng trên có hại cho sức khỏe con người. Nhưng tổ chức này cảnh báo rằng một số người không cảm thấy khỏe sau khi phun thuốc. Còn CDC đề nghị cần nghiên cứu và thử nghiệm nhiều hơn về vấn đề này.

CWA cho rằng phương pháp phun thuốc này là một ý tưởng tồi tệ, do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Năm 2019, Hiệp hội tiếp viên hàng không chuyên nghiệp đã nhận hơn 200 báo cáo về tiếp viên hàng không gặp các vấn đề về hô hấp, viêm họng và đau đầu. Tổ chức này tin rằng những phản ứng này là do độc tố từ thuốc khử trùng. Nếu bạn lo ngại về việc phun thuốc khử khuẩn, hãy kiểm tra với hãng hàng không trước khi đặt vé.

Lời khuyên

Để giữ sức khỏe khi bay, bạn hãy ghi nhớ những điều sau. Khi bạn thực hiện tất cả, những biện pháp này có thể làm giảm đáng kể khả năng nhiễm virus trong quá trình đi máy bay.

Nếu lo lắng về vệ sinh của máy bay, bạn hãy thử đặt chuyến bay sớm nhất có thể trong ngày. Và nếu hành trình cho phép, hãy xem xét các chuyến bay thẳng hơn là nối chuyến, để hạn chế tiếp xúc với những cabin không đảm bảo vệ sinh.

Thực hiện giãn cách xã hội trong suốt hành trình từ khi làm thủ tục, kiểm tra an ninh, lên máy bay đến khi nhận hành lý ký gửi… Chọn chỗ ngồi cách xa các hành khách khác (thường ở phía cuối máy bay) và yêu cầu chuyển chỗ nếu có thể.

Một số hãng hàng không cung cấp quần áo bảo hộ (PPE), một số không. Vì vậy bạn có thể tự chuẩn bị khẩu trang, găng tay, khăn lau diệt khuẩn và dung dịch khử trùng.

Bảo Ngọc (Theo Condé Nast Traveler)

👉 Đặt vé ngay tại website: www.12bay.vn
👉🏻 Tải ngay app săn vé: https://bit.ly/app12bay
👉 Hotline: 1900 2642
🏩 CÔNG TY TNHH MTV TM NGUYỄN DƯƠNG
✴ Đc: Lô 11 BT2 Khu đô thị Hà Đô đường Lê Thị Riêng, phường Thới An. quận 12, TP Hồ Chí Minh