Hội kỷ lục gia Việt Nam vừa công bố bưởi Phúc Trạch, kẹo cu đơ và gỏi cá đục vào Top 100 món ăn, quà tặng đặc sản.
Dưới đây là ba thức quà dân dã của Hà Tĩnh có tên trong Top 100 món ăn và Top 100 quà tặng Việt Nam (2020 – 2021).
Gỏi cá đục
Gỏi cá đục là đặc sản của vùng bãi ngang như: Lộc Hà, Nghi Xuân, Thạch Hà… Cá đục sống gần bờ biển, thân to hơn ngón tay cái, dài khoảmg 13-18 cm, trông giống cá bống nước ngọt. Ngư dân có thể chế biến rất nhiều món ngon từ cá đục nhất là gỏi và nướng, vì thịt chắc, trắng, có vị ngọt và hầu như mùa nào cũng có.
Cá làm gỏi được đánh sạch vảy, bỏ đầu, cắt dọc thân lấy phần thịt rồi ướp bằng nước cốt chanh từ 15-30 phút. Cá ướp xong phải vắt khô, để ráo. Nước ướp cá sẽ giữ lại để làm gia vị nước chấm. Nước chấm làm từ nhiều loại gia vị khác nhau như: nước chanh, tỏi băm, cà chua, hành tím, lạc, ớt cay… đun sôi thành hỗn hợp chua ngọt. Khi ăn phải dùng bánh đa nem cuốn cá với rau thơm, lá tía tô, xà lách, dưa chuột thái lát mỏng…
Bưởi Phúc Trạch
Bưởi Phúc Trạch là đặc sản của người dân huyện miền núi Hương Khê. Xã Hương Trạch, huyện Hương Khê là “thủ phủ” của bưởi Phúc Trạch với 360 ha, trung bình mỗi hộ sở hữu từ một sào đến 2 ha đất, trồng 50 đến 400 cây.
Những cây bưởi tại đây tán rộng trung bình khoảng 4,5 m, cao 5 m, cho chừng 50 quả, có cây tới hơn 100 quả. Mùa thu hoạch từ tháng 8 đến hết tháng 9 hàng năm. Bưởi Phúc Trạch có vị ngọt xen lẫn chua thanh, mùi thơm, tép giòn, mọng nước. Loại trái cây này rất đắt hàng, được nhập đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước.
Kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ vốn là kẹo lạc, có nhân là đậu phộng rang với mật mía. Kẹo sau khi nấu chín sẽ được đổ thành một lớp mỏng trên bánh đa nướng. Thực khách thường thưởng thức kẹo với nước chè xanh, khi ăn có độ dẻo và dính đặc trưng.
Kẹo được người dân nấu và bán tại 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh. Trong đó, nổi danh nhất là kẹo cu đơ của những hộ dân ở phường Đại Nài, gần cầu Phủ. Người Hà Tĩnh có câu: “Cu đơ Cầu Phủ không nhủ cũng mua”.
Đức Hùng