Những điều giản dị này có sức “gây nghiện”, khiến bạn yêu Hà Nội và Sài Gòn mê mệt, dù chỉ ghé qua một lần hay gắn bó lòng mình với thành phố.
Những điều khiến ta yêu Hà Nội rất đỗi dịu dàng, ngọt ngào và mang hơi hướm cổ xưa; cònnhững điều khiến ta yêu Sài Gòn, đúng như phong thái của thành phố: náo nhiệt, ồn ã mà không khỏi khiến lòng nhớ thương.
Mỗi thành phố mang trong mình một vẻ đẹp, một màu vẻ riêng biệt, nhưng đều khiến người ta “ghét lên ghét xuống”, dù một lần hạnh ngộ thoáng qua hay cả đời duyên nợ.
Thói quen tập thể dục sáng sớm của người Hà Nội, chẳng rõ có từ khi nào, chỉ biết, nó đã trở thành một hình ảnh đặc trưng, một hoạt động rất… Hà Nội. Cảnh những người già chậm rãi tản bộ quanh những bờ hồ, những bà cụ tập dưỡng sinh, múa quạt hay những người trẻ chạy bộ đến mướt mồ hôi đã đi vào tâm trí những người yêu Hà Nội. Còn ở Sài Gòn, buổi sáng được “định vị” bằng cảnh người dân ngồi cafe bệt, vừa nhâm nhi ly cafe đá vừa đọc báo trước khi bắt đầu một ngày làm việc.
Ngày mới ở Hà Nội dường như bắt đầu sớm hơn với hoạt động tập thể dục, còn ở Sài Gòn, khó có thể có một buổi sáng trọn vẹn nếu chưa ra Nhà thờ Đức Bà hay công viên ngồi cafe bệt và đọc báo.
Nếu đến Hà Nội mà không ăn phở, vào Sài Gòn mà không nếm cơm tấm sườn bì, chúng ta đã “phí nữa đời người”.
Một trong những điều khiến ta yêu Hà Nội là những gánh hàng rong, mà đặc trưng nhất là những gánh hàng hoa. Những mùa hoa đi qua những vòng xe, nào cúc, nào sen, loa kèn, bách nhật, cúc họa mi… để lại trong lòng người xốn xang. Hàng rong Sài Gòn, thật lạ, hầu hết đều là những hàng ăn vặt. Bởi thế, Sài Gòn luôn tiềm ẩn nguy cơ gây… bội thực, bởi những xe bánh tráng trộn, hủ tíu gõ, trái cây, bò bía, sâm lạnh… tấp nập trên hè phố.
Thứ hàng rong đặc trưng nhất của Hà Nội là hoa, còn ở Sài Gòn, hàng rong chủ yếu bán đồ ăn vặt.
Nếu Sài Gòn gây “ghét lên ghét xuống” với những cơn mưa bất chợt, với hai mùa mưa nắng tách biệt thì Hà Nội 4 mùa, đặc biệt là mùa thu ngọt ngào cũng khiến lòng người mê mải. Mùa thu Hà Nội ngọt lành trong hương cốm, nồng nàn hương hoa sữa không dễ quên, nếu ai đã “lỡ” một lần nếm trải; còn những mùa mưa – nắng Sài Gòn, mùa lá me bay, mùa trái sao dầu rơi sẽ để lại những xao xuyến không thôi.
Chẳng có mùa thu lãng đãng, hanh hao như Hà Nội, Sài Gòn níu lòng người bằng những cơn mưa bất chợt.
Tính cách, phong thái sống đặc trưng của hai thành phố cũng để lại những ấn tượng khó phai. Người Sài Gòn tánh kỳ, làm gì cũng nhanh, cũng nhiệt tình, bao dung và hồn hậu. Chẳng ở đâu như Sài Gòn, khi quên chưa gạt chân chống, bạn sẽ được cả đường “la ó” nhắc nhở: “Con ơi/anh ơi/em ơi chưa gạt chân chống kìa, coi chừng té” hay khi bỏ quên một chiếc điện thoại trong hàng sửa chữa vài tháng rời quên, khi bạn quay lại, nhân viên vẫn nhớ bạn là ai và trả lại cho bạn chiếc điện thoại đã sửa xong. Còn ở Hà Nội, sự chậm rãi và từ tốn là nhịp sống hằng ngày. Người Hà Nội có thể chẳng vồn vã mời bạn về nhà dùng bữa khi vừa quen, nhưng khi đã trở thành bạn bè, họ sẽ coi bạn như người trong gia đình.
Sài Gòn khiến người ta cảm nhận được sự đôn hậu, ấm áp và sống vì hiện tại, khác hẳn với sự trầm tư, chậm rãi của cuộc sống ở Hà Nội.
Sự chỉn chu trong cách ăn mặc, trưng diện của người Hà Nội đã trở thành thương hiệu; còn ở Sài Gòn, điều tuyệt vời nhất là bạn mặc sao cũng được, chơi sao cũng được, thậm chí hơi xuề xòa một chút cũng OK, miễn là bạn cảm thấy thoải mái.
Sài Gòn gây “nghiện” bởi sự náo nhiệt, ồn ã của một thành phố không ngủ, của những tòa cao ốc hiện đại, của nhịp sống lúc nào cũng rộn rã; còn Hà Nội khiến lòng người xôn xao bởi những con phố dài, những ngôi nhà cổ mái ngói thâm nâu cổ kính nhuộm màu thời gian.
Mùa đông Hà Nội về cùng nỗi nhớ heo may, nhớ bánh chưng, thịt đông, nhớ cành đào ửng hồng ngày Tết. Nỗi nhớ thành phố này sẽ cồn cào hơn cả, đặc biệt với những người xa xứ bởi không khí ẩm sực hương trầm, bởi cái ấm áp quây quần bên mâm cơm ngày Tết nguyên đán, bởi những bình yên, chúc tụng ngày cuối năm. Còn Sài Gòn, phải chăng chỉ có hai mùa mưa – nắng, chỉ có nắng vàng rực rỡ quanh năm mà Tết cũng rộn rã như ngày thường, mà ngày nào cũng có thể trở thành một lễ hội ngập những niềm vui?